Skip to content Skip to navigation

NHÌN TỪ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH ĐẾN ĐẠI HỘI XII CỦA ĐẢNG VÀ BÀI HỌC CHO GIẢNG VIÊN LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

TS. Nguyễn Đình Quốc Cường*

 

Hồ Chí Minh lãnh đạo nhân dân ta tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn coi: cách mạng là sự nghiệp của nhân dân; lực lượng cách mạng là toàn dân tộc. Do đó, cần phải tập hợp, tổ chức nhân dân để xây dựng lực lượng cách mạng. Người khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”[1].

Giảng viên lý luận chính trị - lực lượng đang làm cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng; góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ - đóng vai trò định hướng đường lối, tư duy lý luận chính trị đúng đắn cho sinh viên – lực lượng trí thức đông đảo, chủ nhân của tương lai đất nước. Do đó, giảng viên lý luận chính trị phải vừa là người đồng hành dẫn dắt tri thức lý luận cho sinh viên, nhưng đồng thời phải giúp sinh viên nhận thức đúng các chủ trương, chính sách của Đảng. Tuy nhiên hiện nay, giảng viên lý luận chính trị, nhất là lực lượng giảng viên trẻ, đang xem nhẹ công tác tập hợp, tổ chức sinh viên trong lớp học, thiếu sự sâu sát, gần gũi với sinh viên – tức xem nhẹ công tác dân vận. Từ đó, làm cho hiệu quả giảng dạy không cao, chưa hoàn thành tốt sứ mệnh của một giảng viên lý luận chính trị. Vì vậy, nghiên cứu quan điểm dân vận của Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam, từ đó rút ra bài học cho giảng viên các môn lý luận chính trị nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy là một việc làm có ý nghĩa cả về mặt lý luận, lẫn thực tiễn. Tác giả đã sử dụng phép biện chứng duy vật, quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử - cụ thể, quan điểm thực tiễn để nghiên cứu, hoàn thành bài viết.

    1. Khái niệm dân vận

               Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta luôn coi dân vận là một công tác chiến lược, đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên trong mọi hoàn cảnh, trên mọi địa bàn, đối với mọi tầng lớp nhân dân các dân tộc. Vậy dân vận được hiểu như thế nào?

    Hiểu khái quát nhất có thể nói dân vận là tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục mọi người dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Dân vận còn có nghĩa là làm gương trước dân. Còn hiểu theo nghĩa thông thường thì, dân vận là công tác dân vận của các tổ chức chính quyền, đoàn thể trong hệ thống chính trị nói chung và của cả hệ thống xã hội nói riêng. Trong cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ, thì dân vận là “sự vận động trong dân chúng để lôi cuốn họ theo một đường lối nào”[2]. Cũng với cách hiểu đó, trong cuốn Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (chủ biên), đã định nghĩa: “Dân vận là tuyên truyền vận động nhân dân: Công tác dân vận – các tổ chức dân vận”[3]. Còn theo Hồ Chí Minh: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc Chính phủ và Đoàn thể giao cho”[4].

Như vậy, trong các quan niệm trên, có thể nhận thấy, một trong những nhiệm vụ quan trọng của dân vận đó là tập hợp và huy động cho được sức mạnh của toàn dân (mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng) vào các phong trào cách mạng.

2. Quan điểm về dân vận trong tư tưởng Hồ Chí Minh và Đại hội lần thứ XII của Đảng

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn coi cách mạng là sự nghiệp của nhân dân và vì nhân dân. Tuy nhiên, để nhân dân tin và theo cách mạng thì phải đảm bảo: Bản chất của nhà nước là của dân, do dân, vì dân. Chính quyền là cơ quan đại diện cho nhân dân để quản lý mọi việc của dân, của xã hội. Cán bộ Chính quyền từ Trung ương, đến xã đều do dân cử ra, chịu sự giám sát của dân. Mọi hoạt động của chính quyền xét đến cùng là phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ[5]. Hay trong tác phẩm Dân vận, Hồ Chí Minh viết: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân[6].

Như vậy, theo quan niệm của Hồ Chí Minh, mọi công việc đều do dân và thành quả của nền dân chủ mới thuộc về đại đa số quần chúng nhân dân chứ không phải bất cứ một số ít dân cư nào. Trong đó, nhà nước phải được tổ chức và hoạt động theo một mục tiêu cao nhất là không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân đúng với phương châm: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại đến dân phải hết sức tránh; chăm lo mọi mặt đời sống của nhân dân, thảo mãn các nhu cầu thiết yếu nhất là làm cho dân có ăn, làm cho dân có mặc, làm cho dân có chỗ ở, làm cho dân được học hành, làm cho dân có điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe…

Ngoài ra, để nhân dân tin và theo cách mạng thì: Trước nhất là phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Điểm thứ hai là bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên toàn dân ra thi hành. Trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng[7].

Muốn làm tốt dân vận, đòi hỏi người phụ trách phải: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm[8]. Trong đó:

Óc nghĩ, Hồ Chí Minh đặt ở vị trí hàng đầu, cho thấy người đặc biệt đề cao trí tuệ và yêu cầu về sự “động não” của người làm dân vận. Người muốn khẳng định, dân vận không chỉ là những thao tác cụ thể, những công thức có sẵn mà bản thân nó là một khoa học - khoa học về con người, một nghệ thuật - nghệ thuật tiếp cận và vận động con người, phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình nhân dân, vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn sinh động để vận động nhân dân có hiệu quả; 

Mắt trông, là quan sát mọi sự việc, hiện tượng từ thực tiễn phong trào cách mạng của quần chúng, để “trăm nghe không bằng một thấy”. Với sự nhạy cảm, tinh tế trong quan sát, kết hợp với “óc nghĩ” xác định được đúng, sai, nhận rõ bản chất và hiện tượng của từng sự việc, từng vấn đề để làm đúng, tham mưu kịp thời cho Đảng và Nhà nước để có cách giải pháp đúng đắn kịp thời đưa phong trào của quần chúng đi đúng hướng. Ở điểm này, Hồ Chí Minh muốn nhắc nhở cán bộ, đảng viên làm dân vận phải thường xuyên sâu sát cơ sở. Vì chỉ có sát cơ sở mới có thể “thấy” mọi sự việc, vấn đề. Theo đó, muốn vận động quần chúng một cách thiết thực, muốn làm tốt vai trò tham mưu phải “mục sở thị” được các sự việc và vấn đề liên quan đến công tác dân vận;

Tai nghe, là một phương pháp khoa học của công tác dân vận, theo Hồ Chí Minh cùng với “óc nghĩ”, “mắt trông”, người làm dân vận còn phải đồng thời nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng. Đòi hỏi phải biết nghe dân nói, từ đó mà hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của dân; loại trừ những thông tin thiếu chân thực, chính xác. Nghe dân nói, cũng là để biết dân đã hiểu gì, hiểu đến mức như thế nào, đã làm như thế nào và làm được đến đâu. Về bản thân, mình cũng thấy được những gì cần phải bổ sung, điều chỉnh khi thực hiện dân vận;

Chân đi, là yêu cầu gắn với cơ sở, một đòi hỏi bức thiết, luôn đặt ra đối với người làm dân vận, đây cũng là một yếu tố chống căn bệnh quan liêu, hành chính, làm việc theo kiểu giấy tờ của các cơ quan. Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực luôn luôn hướng về cơ sở và gắn bó với cơ sở. Sinh thời, dù bận trăm công, nghìn việc nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn dành thời gian đi cơ sở để khảo sát tình hình thực tế, lắng nghe ý kiến của dân và trực tiếp tháo gỡ những khó khăn nẩy sinh trong dân. Xuống với dân như về gia đình mình, người tuyệt đối không muốn “cờ rong, trống mở” xe đưa xe đón. Nhiều lần người đến thăm cơ sở nhưng không báo trước. Người hết sức nghiêm khắc với bệnh tô vẽ, thổi phồng thành tích dẫn tới lừa dân, hại dân, dối trên, lừa dưới của một số cán bộ mắc bệnh thành tích;

Miệng nói, là thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, nhất là tuyên tuyền miệng, một hình thức tuyên truyền không thể thiếu của người làm dân vận. Người làm dân vận phải thường xuyên có trách nhiệm tuyên truyền, cổ động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội và an ninh quốc phòng... Theo Hồ Chí Minh, để dân hiểu, dân tin, dân ủng hộ và làm theo thì việc tuyên truyền miệng phải đúng và phải khéo. Nói với với dân phải đơn giản, rõ ràng, thiết thực và cụ thể, tránh mệnh lệnh, hơn thế, còn phải có thái độ mềm mỏng; đối với người già, các bậc lão thành phải cung kính, lễ độ, với đồng chí, đồng bào phải đúng mực, nghiêm trang, với nhi đồng phải thương yêu, quý mến;

Tay làm, là thể hiện quan niệm học đi đôi với hành, là gương mẫu,làm gương trước cho quần chúng. Nếu nói là để dân nghe, thì làm là để dân thấy, dân tin, dân học làm theo. Lời nói đi đôi với hành độnglà một yêu cầu, một phương pháp hết sức quan trọng đối với cán bộ nói chung, cán bộ làm công tác dân vận nói riêng. Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến hai mặt của một vấn đề này. Người từng có hàng loạt bài viết, bài nói phê phán những cán bộ, đảng viên “nói không đi đôi với làm”, “nói hay mà làm dở” hoặc “đánh trống bỏ dùi”. Người chỉ rõ “cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói, tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói hay mà không làm thì nói vô ích”.

Như vậy: “Mắt trông, tai nghe, chân đi là yêu cầu sát cơ sở, sát thực tế, đến với nhân dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân mà giúp dân giải quyết các công việc cụ thể, đề xuất chính sách hoặc điều chỉnh chính sách cho phù hợp, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách; “Miệng nói, tay làm” là phong cách quan trọng nhất hiện nay, “phải thật thà nhúng tay vào việc”, “không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh” [9], không được nói một đằng, làm một nẻo, miệng thì vận động người khác nhưng mình thì không làm hoặc làm ngược lại.

Thấm nhuần quan điểm về tầm quan trọng của dân vận, cũng như nhận thức đúng về quan điểm dân vận của Hồ Chí Minh, tại Đại hội XII, Đảng ta khẳng định: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác dân vận trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thực sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân. Giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, những kiến nghị chính đáng của nhân dân và khiếu nại, tố cáo của công dân”[10].

3. Bài học kinh nghiệm cho giảng viên lý luận chính trị từ quan điểm dân vận của Hồ Chí Minh và của Đảng ta

Để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trước tiên bản thân người giảng viên lý luận chính trị phải tạo ra một sức hút đối với sinh viên, có những giờ dạy trên bục giảng chất lượng để có thể thuyết phục sinh viên, để sinh viên có hứng thú với từng buổi học với thầy cô trên lớp. Muốn vậy, giảng viên lý luận chính trị cần phải :

Thứ nhất, biết cách tổ chức lớp học một cách khoa học, hợp lý trên cơ sở lấy người học là trung tâm. Điều này thể hiện, người giảng viên vừa là người tổ chức, điều hành lớp học, vừa là người phục vụ sinh viên. Tổ chức, điều hành lớp học có hiệu quả thể hiện ở việc phân chia nhóm học tập; triển khai chương trình, kế hoạch giảng dạy, học tập môn học; phân công nhiệm vụ đến từng nhóm học tập và yêu cầu đối với từng sinh viên.

Thứ hai, mỗi tiết dạy cần phải vận dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các kỹ năng: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm[11]. Bởi, nghề giáo nói chung, nhất là giảng viên giảng dạy lý luận chính trị là những người làm khoa học, đồng thời cũng có thể coi là người làm nghệ thuật - nghệ thuật tiếp cận và vận động con người, phải dày công tìm tòi suy nghĩ để phân tích chính xác tình hình từng lớp học; xác định được đúng, nhận rõ bản chất và hiện tượng của từng sự việc, từng vấn đề xảy ra trên lớp học, từng sinh viên; vận dụng sáng tạo lý luận, kết hợp thực tiễn sinh động vào mỗi tiết giảng để một bài giảng có hiệu quả có hiệu quả. Bên cạnh đó, người giảng viên lý luận chính trị cần phải luôn quan sát tốt lớp học, kết hợp với thường xuyên đi xuống các dãy bàn học của sinh viên trong khi giảng, để có thể nắm bắt tâm tư, mong muốn, sự hợp tác của sinh viên để có thể linh hoạt điều chỉnh nội dung, âm điệu giọng nói, phương pháp giảng dạy cho phụ hợp. Ngoài ra, giảng viên lý luận chính trị cũng phải thường xuyên trao dồi ngôn ngữ ngày càng phong phú, rèn luyện giọng nói có sức truyền cảm, thuyết phục, hơn thế, còn phải có thái độ mềm mỏng, lễ độ với đồng nghiệp và sinh viên; phải gương mẫu, làm gương cho sinh viên để sinh viên thấy, sinh viên tin, sinh viên học làm theo; phải thực sự tin vào khả năng của sinh viên, trọng sinh viên, gần gũi sinh viên, hiểu sinh viên, học sinh viên, dựa vào sinh viên, có trách nhiệm với sinh viên; phải thực sự yêu thương, thấu hiểu, bao dung, độ lượng, tận tình và ân cần đối với học trò.

Như vậy, để nâng cao chất lượng giảng dạy các môn lý luận chính trị, đòi hỏi mỗi người giảng viên lý luận chính trị phải vận dụng tốt quan điểm dân vận của Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam vào từng buổi dạy trên lớp./.


              

 

* Trung tâm Lý luận chính trị, ĐHQG-HCM

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.234.

[2] Viện Ngôn ngữ, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2007, tr.211.

[3] Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như Ý (chủ biên), Nxb. Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, 2006, tr.190.

[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.232

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.515.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.232.

[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.233.

[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.234.

[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.234.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.210.

[11] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.234.