Skip to content Skip to navigation

BƯỚC NGOẶT CỦA VIỆC BÁC HỒ RA ĐI TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC (TS. Phạm Huỳnh Minh Hùng)

Cách nay tròn 120 năm, ngày 5 tháng 6 năm 1911 tại Bến Nhà Rồng, Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xuất dương tìm đường cứu nước. Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đời hoạt cách mạng của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Aí Quốc - Hồ Chí Minh mà còn có ảnh hưởng to lớn đến phong trào cách mạng Việt Nam. Bởi lẽ, lôgíc của vấn đề là ở chỗ nhờ có ra đi tìm đường cứu nước nên Nguyễn Aí Quốc đã đến được với chủ nghĩa Mác- Lênin; nhờ có tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin mà Người đã vận dụng một cách sáng tạo vào Việt Nam và lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nhìn lại lịch sử Việt Nam chúng ta thấy, vào nửa cuối thế kỷ XIX các nước phương Tây mà đặc biệt là thực dân Pháp đã có ý đồ và quyết tâm xâm lược nước ta. Mặt khác, chính sách “đóng cửa” đi tới chủ trương cấm đạo và giết đạo của nhà Nguyễn đã tạo cớ cho thực dân Pháp nổ súng vào bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng ngày 01/9/1858 chính thức cho việc xâm lược nước ta.

Trước cuộc xâm lược của thực dân Pháp, nhà Nguyễn, trong nước thì sợ nhân dân, bên ngoài thì bạc nhược trước kẻ thù xâm lược, lúc đầu có chống cự yếu ớt, sau từng bước nhân nhượng, cầu hòa và cuối cùng đến năm 1884 đã hoàn toàn đầu hàng.

Thế nhưng đối với nhân dân ta thì hoàn toàn khác hẳn. Từ năm 1858 đến cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp mở rộng cuộc xâm lược từ Đà Nẵng đến các tỉnh Nam Bộ, Trung Bộ và Bắc Bộ, nhân dân cả nước đứng dậy chống Pháp, đặc biệt mạnh mẽ sau khi có chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi (7/1885) đến cuối thế kỷ XIX đều bị thực dân Pháp dìm trong bể máu, thất bại.

Sang đầu thế kỷ XX, phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta chuyển dần sang xu hướng dân chủ tư sản, tiêu biểu như phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội… Những phong trào này chưa lôi cuốn được các tầng lớp nhân dân và vẫn do các sĩ phu phong kiến cựu học lãnh đạo, và đều bị thực dân Pháp đàn áp dữ dội, nên tất cả đều đi đến kết cục thất bại. Có thể nói, đến đầu thế kỷ XX, tất cả các phong trào yêu nước của nhân dân ta với các khuynh hướng khác nhau đều lâm vào ngõ cụt, bế tắc và bị khủng hoảng. Lịch sử Việt Nam đến đầu thế kỷ XX đặt ra một đòi hỏi khách quan và nhiệm vụ lịch sử phải có con đường cứu nước mới, tạo ra sức mạnh mới của dân tộc đủ sức chiến thắng thực dân đế quốc giành lại độc lập hoàn toàn cho dân tộc.

Chứng kiến cuộc khủng hoảng con đường cứu nước của dân tộc, Nguyễn Ái Quốc quyết định đi sang các nước phương Tây học hỏi kinh nghiệm để về giúp đồng bào đòi lại quyền dân tộc độc lập. Ngày 05/6/1911, Nguyễn Ái Quốc sang Pháp, sau đó đi các nước châu Phi, qua châu Mỹ, ở Mỹ (1912-1913), rồi về Anh (1913-1917), ở Pháp (1917-1923)… Các cuộc cách mạng tư sản là một nội dung được Nguyễn Ái Quốc tập trung nghiên cứu ở thời kỳ này và Người đã tiếp thu được nhiều điều bổ ích. Đặc biệt từ việc nghiên cứu cách mạng Mỹ 1776 và cách mạng Pháp 1789 và nhất là những gì mà Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp chứng kiến nên Người đã rút ra kết luận: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cứ cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai” [1]. “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa” [2]. Vậy là hai mục tiêu Nguyễn Ái Quốc đang ấp ủ là độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân mình thì kinh nghiệm cách mạng Mỹ và Pháp không đáp ứng được.

Nghiên cứu cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, Nguyễn Ái Quốc nhận xét: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do, bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam” [3].

Từ kinh nghiệm cách mạng vô sản trên thế giới, Nguyễn Ái Quốc khẳng định: Việt Nam muốn có độc lập, tự do phải đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga. Và “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” [4].

Đầu năm 1919, Nguyễn Ái Quốc ra nhập Đảng Xã hội Pháp. Tháng 3/1919, Lênin sáng lập Quốc tế Cộng sản (Quốc tế III). Từ đây Nguyễn Ái Quốc đã tham gia vào tổ chức nghiên cứu Quốc tế III của Đảng Xã hội Pháp. Ngày 16 và17/7/1920, Nguyễn Ái Quốc đọc Luận cương của Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Đọc đi đọc lại nhiều lần, Người nhận rõ Luận cương của Lênin soi sáng con đường giải phóng dân tộc mình. Về sau, Người viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đoạ đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”.

Từ đó tôi hoàn toàn tin theo Lênin, tin theo Quốc tế thứ ba” [5].

Nhận thức này đã dẫn tới quyết định của Nguyễn Ái Quốc ở Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp (12-1920), Người bỏ phiếu tán thành tham gia Quốc tế III và ngay sau đó Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đây là bước ngoặt đặc biệt quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, đánh dấu bước chuyển từ người yêu nước thành người cộng sản của Nguyễn Ái Quốc.

                                                                                        TS. Phạm Huỳnh Minh Hùng

 

[1] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, NXB CTQG, HN, tr. 270.

[2] . Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, NXB CTQG, HN, tr. 274.

[3] . Hồ Chí Minh, sđd, tr. 273.

[4] . Hồ Chí Minh, sđd, tr. 280.

[5] . Hồ Chí Minh, sđd, tập 10, tr.127.